VĨNH LONG NGÀY CŨ
https://www.youtube.com/watch?v=qQFqW-IDtzg
Việt Cộng về chiếm hết mấy làng, trong đó có xóm Cầu Ngang của con Mén.
Ít lâu sau, có tin bà nội nó chết. Ba má nó không dám về chịu tang, chôn cất, phần vì không có tiền, phần vì sợ Việt Cộng..
Ba nó lấy một cái rương kê vào giữa vách, đặt lên đó một chén gạo và hai cây đèn cầy.
Đốt đèn, đốt nhang cắm vào chén gạo, xong, ba má nó vừa lạy vừa khóc.
Lần đầu tiên con Mén thấy ba nó khóc. Không biết gì, nhưng sao nó cũng muốn khóc theo. Mấy thằng anh nó ngồi xếp bằng một hàng, im thin thít.
Sau đó, ba nó ôm nó vào lòng, ngồi nhìn khói nhan và hoa đèn lâu thật lâu. Nó hết nhìn cái rương lại nhìn mặt ba nó.
Tự nhiên nó thấy thương ba nó vô cùng.
Mãi sau này con Mén mới biết cái rương đó là bàn thờ bà nội nó.
Bây giờ, con Mén cũng được đi học. Bây giờ, ba nó cũng sắm được chiếc xe đạp để đi làm. Má nó thì vẫn đi đò ngang để qua nhà máy ve chai.
Mấy anh nó, vì trường cũ hết lớp phải qua trường khác xa hơn, vẫn đi bộ.
Má nó đã lên cấp thợ, nhờ vậy mà trong nhà thấy dễ thở hơn, sắm thêm một số đồ đạc và má nó có đeo một sợi dây chuyền … Chớ ba nó thì vẫn còn lẹt đẹt ở cấp binh nhì, loại binh nhì dùng sai vặt trong văn phòng, đơn vị.
Nhờ đi học, con Mén mới biết nó tên thật là Loan. Hôm đưa nó vào trường, ba nó dặn :
- " Khi nào cô giáo điểm danh, kêu Lê Thị Loan thì con hô lớn lên có mặt. Nghe con !".
Nó ngạc nhiên:
-" Ủ a? Con tên là Mén mà !"
Ba nó phải giải nghĩa rằng Loan là tên trong còn Mén là tên ngoài, ra đường mình lấy tên ngoài chớ vào trường là phải lấy tên trong vân vân …
Đối với nó, ngoài trong gì lộn xộn quá. Nó chỉ biết rằng tên Loan nghe thật dễ thương nhưng lạ hoắc, còn Mén thì thật là quen tai.
Tuy nhiên, có cái tên dễ thương, nó cũng nghe lòng phơi phới.
Nhờ đi học, con Mén hết ở trần, hết đi chân đất, nhưng tóc vẫn hớt bum bê cao. Nó đội nón vải có bo như tai bèo, mặc áo trắng tay phùng quần dài đen, chân mang dép Nhựt. Bây giờ, thật sự nó mới có nét con gái !
Ba nó nhìn nó trìu mến :
- "Mẹ họ! Con gái của ba coi cũng đặng ớn!"
Rồi ba nó hôn nó đầy mặt. Nó rút cổ lại vì nhột, cười khúc khích. Tình thương đâu đó bỗng trào dâng miên man. Giống như nước triều lên ôm xóm Bộng, âm thầm nhưng thật là chan chứa.
Con Mén càng lớn, ba nó càng cưng nó nhiều. Bởi vì nó thông minh, học giỏi. Và bởi vì nó mang nhiều nét của bà nội nó.
Ba nó thường nhìn nó, nói:
- "Thứ gì mà giống bà nội như in!"
Điều mà ba nó không để ý là con Mén còn giống bà nội nó ở chỗ hay chửi đổng :
- " Mồ tổ cha nó!" mỗi khi nó bực mình chuyện gì. Có lẽ tại vì nó chửi lầm bầm nên ba nó không nghe.
Mấy anh con Mén đi học buổi sáng, nó đi học buổi chiều. Thành ra lúc nào trong nhà cũng có đứa học ê a, đứa nằm sấp xuống gạch nắn nót làm bài.
Hầu hết tụi nhỏ trong xóm đều học chung một trường, nên đi và về cùng một lúc, đứa trước đứa sau đi thành một hàng dài.
Đến khi tụi nó học bài cũng nghe uềnh oang như tiếng ễnh ương vào mùa nước nổi.
Trưa, con Mén cuốc bộ đi học. Chiều ba nó đi làm về, đạp xe ghé ngang trường rước nó. Những lúc đó nó thấy hãnh diện vô cùng.
Ngồi trên bọt ba ga, cặp táp đeo lủng lẳng ở cổ, hai bàn tay nhỏ nắm lấy dây nịt của ba nó để giữ thăng bằng, nó nói chuyện huyên thuyên, hỏi ba nó đủ thứ.
Ba nó lúc nào cũng có câu trả lời, cũng góp vào câu chuyện rất hào hứng chớ không phải ậm à ậm ừ.
Cho nên, đối với nó, trên đời này chỉ có ba nó là nhứt !
Vậy mà thời gian sau này, ba nó bị cấm trại liên miên. Nó đành đi học một mình và về một mình.
Tối, nó ngủ một mình ên trên võng. Bây giờ nó lớn, nên không gào khóc như thuở nó mới xa bà nội nó. Nó biết xấu hổ, nên úp mặt vào chiếc áo nhà binh của ba nó âm thầm khóc rấm rứt.
Rồi một lúc nó cũng ngủ thiếp đi, ôm chiếc áo như ôm lưng ba nó vậy.
************