Khi Mỹ đang xây dựng một bức tường thuế quan bao quanh chính mình thì hàng từ Trung Quốc bán sang 10 nước thành viên ASEAN nửa đầu năm nay đã tăng 12,2% so với cùng kì năm ngoái.
Khu vực Đông Nam Á - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bắc Kinh - cũng trở thành một trọng điểm trong cuộc chiến thuế quan giữa hai siêu cường kinh tế là Mỹ và Trung Quốc.
Trong ASEAN, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 40% đối với hàng hóa từ Myanmar và Lào, 36% đối với Thái Lan và Campuchia, và 32% với Indonesia.
Riêng với Việt Nam, quốc gia duy nhất trong khu vực là đạt được thỏa thuận với Mỹ trước đó, sẽ phải chịu thuế suất thấp hơn là 20%, đổi lại mở toang thị trường cho hàng Mỹ tràn đến với mức thuế 0%, sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tô Lâm hôm 3/7.
Cho đến nay, Trung Quốc chưa có động thái trả đũa đối với những biện pháp này.
Một phần có lẽ vì vẫn chưa rõ cách mà nước này sẽ diễn giải thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ - trong đó có mức 40% áp cho hàng hóa trung chuyển - thường được hiểu là hàng Trung Quốc, ra sao.
Bên cạnh đó, một lí do khác, theo các chuyên gia, là Trung Quốc đang cố gắng xây dựng hình ảnh một đối tác kinh tế đáng tin cậy và hợp tác hơn so với Mỹ.
Nhưng một khi cảm thấy bị tổn hại, Trung Quốc có thể làm gì để thay đổi, và liệu họ có làm phức tạp quá trình sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang diễn ra ở Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng hay không?