Loài cây quý hiếm này ưa bóng, đặc biệt là môi trường ẩm và thường mọc trong các hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm hoặc tán cây lá rộng, ở độ cao từ 600-1500m.
Ở Việt Nam có một loài cây vô cùng độc đáo. Nó chỉ có duy nhất một chiếc lá hình trái tim. Vì vậy, loài cây này được gọi tên là cây một lá.
Cây một lá (Nervilia fordii) thuộc họ Orchidaceae (Lan) và còn có các tên gọi khác như thanh thiên quỳ, lan một lá, lan cờ, châu diệp, slam lài, bửa thoọc, bầu thoọc và nhiều tên khác.
Cây một lá là một cây địa sinh, loại cỏ sống lâu, cao từ 10 – 20cm. Thân rất ngắn, củ tròn to, có thể nặng tới 1,5 – 20g. Từ củ chỉ mọc lên một lá duy nhất, riêng lẻ, lá phát triển sau khi hoa tàn.
Lá có hình tim, tròn, đường kính khoảng 10 – 25 cm. Gân lá tỏa đều từ cuống lá, các gân lá xếp thành hình chân vịt, cuống lá dài khoảng 10 – 20 cm, có màu tím hồng.
Cụm hoa Cây một lá thường có cán dài khoảng 20 – 30 cm. Hoa mọc thưa, khoảng 15 – 20 hoa, mọc thành chùm, có màu trắng, đốm tím hồng hoặc màu vàng xanh hơi ngả sang lục. Lá đài và các cánh hoa giống nhau. Cây ra hoa vào tháng 3 – 5, khi hoa nở đầu cánh hoa ở phía trên chụm lại khiến cho hoa có hình dạng như một chiếc đèn lồng.
Quả nang, hình thoi, trên có nhiều khía giống như quả khế non, quả dài khoảng 2 – 3 cm. Mùa quả vào tháng 4 – 6.
Thông thường sau khi hoa tàn thì lá cây mới bắt đầu phát triển. Do đó, tại các thời điểm nhất định Cây một lá chỉ có thể mang hoa hoặc quả mà không có lá. Hoặc chỉ nhìn thấy lá cây mà không có hoa và quả. Cây thường chỉ phát triển một lá, nên gọi là Cây một lá.
Là loài cây quý hiếm nên cây một lá cũng rất khó tìm thấy ở Việt Nam. Loài cây này ưa bóng, đặc biệt là môi trường ẩm và thường mọc trong các hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm hoặc tán cây lá rộng, ở độ cao từ 600-1500m.
Cây một lá có giá trị dược liệu cao, với các bộ phận của cây được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau. Lá và củ của cây có vị ngọt nhạt, hơi đắng, được sử dụng làm thuốc để thanh nhiệt, nhuận phế, giảm ho, tán ứ, giải độc và giúp giảm đau.