Các ngoại trưởng các nước G7 đã bày tỏ quan ngại về những động thái nguy hiểm của Bắc Kinh đối với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông cũng như những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Những nhận định này được đưa ra trong cuộc họp các ngoại trưởng G7 ở Canada hôm 14/3 giờ địa phương.
Họ thể hiện sự lo lắng đối với tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tại cuộc họp, các ngoại trưởng cũng thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và loại bỏ một số tham chiếu mang tính hòa giải từ các tuyên bố trước đây, bao gồm cả chính sách "một Trung Quốc".
Chính sách một Trung Quốc, công nhận Bắc Kinh là chính phủ chính thức của Trung Quốc và đảm bảo rằng quan hệ với Đài Bắc vẫn không chính thức, đã là nền tảng trong quan hệ của phương Tây với Trung Quốc và Đài Loan trong nhiều thập kỷ. Việc lược bỏ tham chiếu này chắc chắn sẽ là một mối lo ngại lớn đối với Bắc Kinh.
Tuyên bố của các bộ trưởng trong cuộc họp tại Canada phản ánh tuyên bố chung Nhật Bản-Mỹ vào tháng Hai, lên án hành động "ép buộc" đối với Đài Loan, một ngôn ngữ khiến Đài Bắc phấn khởi trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh.

Trực thăng Hải quân Trung Quốc bay sát máy bay của Cục Thủy sản và Tài nguyên Thủy sản Philippines ở Biển Đông hôm 18/2.
So với tuyên bố của các ngoại trưởng G7 vào tháng 11/2024, tuyên bố lần này bổ sung mối lo ngại của các thành viên về việc Trung Quốc tăng cường vũ khí hạt nhân, mặc dù đã bỏ qua các tham chiếu về mối lo ngại của họ đối với việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada nói rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương "không phải là bàn cờ cho sự cạnh tranh địa chính trị" và kêu gọi G7 "từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và ngừng tạo ra sự đối đầu giữa các khối và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực".