Từ Denali đến Himalaya, những người phụ nữ này đã vượt lên định kiến xã hội và viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về sự kiên trì, lòng dũng cảm.
Tháng 5/1995 Alison Hargreaves leo Everest không cần thở oxy hỗ trợ. Ảnh: PA.
Năm 1970, Grace Hoeman, bác sĩ kiêm nhà leo núi người Alaska, đã dẫn dắt nhóm sáu phụ nữ chinh phục đỉnh Denali, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có đoàn leo núi toàn nữ dám thử sức với một trong những đỉnh núi hiểm trở nhất thế giới.
Thời điểm đó, quan niệm xã hội cho rằng phụ nữ không đủ sức để tự mình leo núi. Ngay cả khi nam giới đã đặt chân lên Mặt Trăng, phụ nữ vẫn chưa đặt chân lên những điểm cao nhất của Trái Đất, điều này càng thúc đẩy Hoeman thực hiện ý tưởng táo bạo của mình. Dù bị xem là phi thực tế, hành động của Hoeman đã gieo mầm cho những thay đổi sau này.
Vượt lên định kiến
Khi trưởng đoàn thám hiểm Hoeman nảy ra ý tưởng về chuyến leo núi toàn nữ đầu tiên lên Denali, bà không phải là người phụ nữ đầu tiên theo đuổi giấc mơ chinh phục đỉnh cao. Phụ nữ đã leo núi và khám phá các vùng cực trong nhiều thập kỷ.
Từ cuối thế kỷ XIX, đã có những bóng hồng lặng lẽ vượt qua rào cản. Josephine Peary từng cùng chồng là nhà thám hiểm Robert Peary băng qua vùng Bắc Cực. Elizabeth Le Blond, nhà leo núi người Ireland, đã leo núi trên dãy Alps mà không có chồng đi cùng. Bà từng khiến xã hội Anh thời ấy xôn xao khi dám qua đêm trên núi cùng những hướng dẫn viên nam giới.
Nhưng với Le Blond, chiếc váy còn là rào cản lớn hơn cả định kiến xã hội. Quy tắc mặc váy thời điểm đó khiến phụ nữ leo núi gặp nhiều khó khăn. Để thuận tiện, Le Blond lén giấu váy và mặc quần chùng, rồi sau chuyến đi lại phải quay về lấy váy để che mắt đám đông.
Đầu thế kỷ XX, trong phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, nhà thám hiểm nữ Fanny Bullock Workman cùng chồng mình liên tục phá vỡ kỷ lục độ cao ở Himalaya và tận dụng thành công ấy để thúc đẩy phong trào. Năm 1912, hình ảnh Workman đứng trên một đỉnh núi ở Karakoram, tay giơ tờ báo có tựa đề “Votes for Women” (Quyền bầu cử cho phụ nữ), đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm đòi quyền bình đẳng.

Các nhà thám hiểm nam thường không nhắc đến những người phụ nữ đồng hành trong nhật ký. Ảnh: Abrams Press.
Tuy nhiên, thành tựu leo núi của phụ nữ thường bị xem nhẹ. Các nhà thám hiểm nam thường không nhắc đến những người phụ nữ đồng hành trong nhật ký, và nếu có, họ cũng chỉ coi đó là vai trò phụ trợ.
Năm 1929, Miriam Underhill và Alice Damesme thành công leo đỉnh Grépon, một ngọn tháp đá dốc đứng tại dãy Mont Blanc. Sau khi hai người phụ nữ vượt qua thử thách mà không cần đàn ông trợ giúp, Étienne Bruhl, một nhà leo núi nam người Pháp, đã thẳng thừng tuyên bố ngọn núi này “không còn đáng leo”. Trong khi đó, nếu các đội leo núi nữ thất bại, lập tức họ bị phán xét là “phái yếu”. Định kiến cứ thế bủa vây, nhất là khi mọi kỷ lục leo núi hầu như do nam giới nắm giữ.
Thiên chức và khát khao
Bên cạnh rào cản thể chất và tư tưởng, phụ nữ còn chịu sức ép về thiên chức làm mẹ. Lydia Bradey, người New Zealand, từng triệt sản từ khi mới ngoài 20 tuổi để toàn tâm theo đuổi đam mê leo núi. Cô liên tục được các bác sĩ nam khuyên rằng cô còn quá trẻ, chưa nên triệt sản. Cuối cùng, một bác sĩ nữ đồng ý phẫu thuật cho cô. Năm 1988, ở tuổi 27, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên leo Everest mà không cần thở oxy hỗ trợ.
Những tranh cãi xung quanh vai trò làm mẹ và đam mê leo núi của phụ nữ đạt đỉnh điểm vào năm 1995, khi Alison Hargreaves qua đời trên đỉnh K2 giữa trận bão tuyết. Thay vì được vinh danh đã chinh phục toàn bộ 6 vách núi phía Bắc của dãy Alps chỉ trong một mùa, Hargreaves lại bị chỉ trích vì rời bỏ hai con nhỏ để theo đuổi đam mê. Báo chí lúc đó gọi cô là người mẹ vô trách nhiệm, bỏ mặc con cái để chạy theo những thử thách đầy hiểm nguy.
Trong khi đó, nam giới ít khi phải đối mặt với những lời chất vấn tương tự. Bradey từng viết trong hồi ký của mình: "Tôi thấy rất nhiều người đàn ông có con cái sẵn sàng đẩy bản thân vào hiểm nguy, nhưng xã hội không bao giờ lên án họ như cách họ chỉ trích những người phụ nữ như chúng tôi”.
Năm 1970, khi nhóm của Grace Hoeman tiến gần đỉnh Denali, họ mang theo trên vai không chỉ sức nặng của ba lô và dây leo mà còn cả trọng trách chứng minh phụ nữ có thể làm được điều mà xã hội luôn cho là bất khả thi.
Họ không chỉ chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở mà còn với định kiến ăn sâu vào tư tưởng của cả thế giới. Những người phụ nữ ấy xuất thân từ các lĩnh vực như y khoa, vật lý, hóa học, hàng không và địa chất, đã không chỉ chinh phục đỉnh núi mà còn mở đường cho thế hệ sau mạnh dạn bứt phá.
VietBF@sưu tập