Để hình dung tầm vóc nữ doanh nhân này, chúng ta có thể nhìn vào chi tiết, đó là doanh nhân Bạch Thái Bưởi, được coi là “huyền thoại doanh nhân đất Việt” khi đó chỉ là thầu phụ cho nữ doanh nhân này với phần việc dựng lán trại cho phu ở...
Người phụ nữ Việt Nam có truyền thống đảm đang, tháo vát, chịu thương chịu khó, chăm chồng, nuôi con. Nhưng để trở thành một doanh nhân có ảnh hưởng trong xã hội thì không nhiều. Trong lịch sử, có một nữ doanh nhân cực kỳ thành công, có ảnh hưởng lớn đến giới kinh doanh nước nhà, được nhiều người ngợi khen nhưng cũng bị phán xét cay nghiệt bởi dư luận đương thời cũng như lịch sử. Nữ doanh nhân đó là Trần Thị Lan, hay còn được gọi với cái tên: Cô Tư Hồng.
Sinh năm 1868 ở Hà Nam, gia cảnh bị bần cùng, Trần Thị Lan bị cha ép gả cho lý trưởng làm lẽ vào năm 17 tuổi. Không cam chịu, cô trốn ra Nam Định làm thuê và lấy một người bán bún xáo trâu. Cuộc đời xô đẩy, cô lại làm lẽ một Hoa kiều ở Hải Phòng, từ đây Lan được gọi theo tên chồng là thím Hồng. Làm ăn thua lỗ, chồng bỏ về nước, thím Hồng về Hà Nội, rồi trở thành vợ của quan Tư Laglan, tên Tư Hồng bắt đầu từ đó.

Ảnh minh hoạ nữ doanh nhân Trần Thị Lan Trần Thị Lan, hay còn được gọi với cái tên: Cô Tư Hồng. Ảnh: ChatGPT.
Năm 1892, Tư Hồng thành lập Công ty thầu An Nam và trúng thầu một số dự án cung cấp thực phẩm cho quân đội và các nhà tù ở Bắc Kỳ. Doanh nghiệp phát triển, bà lấn sang lĩnh vực vận tải sông, biển. Dự án lớn nhất mà công ty của Tư Hồng trúng thầu, cũng là dự án khiến bà chịu nhiều thị phi khắp xứ An Nam là dự án phá tường thành Hà Nội. Với quyết định của hội đồng thị chính ngày 28/7/1893, dự án phá tường đã được Toàn quyền Đông Dương Lanessan ký với Công ty Bazin của Pháp. Nhưng Bazin bán lại gói thầu, nhiều công ty lớn tham gia đấu thầu dự án này, nhưng Tư Hồng thắng vì bỏ giá thấp nhất. Để hạ giá thành, Bà về tận Hà Nam thuê nông dân; trực tiếp vào làng rèn Hòe Thị (Xuân Phương, Từ Liêm) đặt làm búa chim, xà beng; thuê doanh nhân Nguyễn Quang Minh làm xe cút kít.
Để hình dung tầm vóc doanh nghiệp của Cô Tư Hồng, chúng ta có thể nhìn vào chi tiết, đó là doanh nhân Bạch Thái Bưởi, được coi là “huyền thoại doanh nhân đất Việt” khi đó chỉ thầu phụ cho Cô Tư Hồng với phần việc dựng lán trại cho phu ở...
Số vật liệu cũ tận dụng từ tường thành, Tư Hồng dùng để xây ngôi biệt thự ở ngõ Hội Vũ và dãy nhà đầu phố Quán Sứ, Hàng Da, Cửa Đông cho thuê. Từ đây, Tư Hồng mở rộng kinh doanh xây dựng nhà ở, dinh thự, cầu cống và mở các hãng buôn lớn… Bà trở thành một tư sản cỡ lớn ở Hà Nội và bắt đầu vươn tới những quyền lực trong kinh doanh ở các ngành như thầu khoán, vận tải thủy, cung cấp thực phẩm, buôn bán lúa gạo…
Người đời lên án bà vì đã phá thành Hà Nội. Nhưng ai cũng biết, trên thực tế triều đình nhà Nguyễn đã có chỉ dụ năm 1835 cho bạt phá tường thành, sau đó lại phá dỡ nhiều công trình trong Hoàng thành để đem vào Huế kiến thiết; tiếp tục đến đạo dụ 1888 công nhận cho Pháp toàn quyền ở Bắc, khi Hội đồng thị chính đã ra quyết định chính thức giao thầu cho Công ty Bazin của Pháp thì nếu Cô Tư Hồng không phá thì sẽ có người khác phá. Người đương thời chê trách bà có lẽ chính vì bà chỉ là một phụ nữ An Nam mà thôi. Còn người đời sau lên án bà vì bà đã hợp tác với thực dân Pháp, nguyên thế thôi cũng đủ để trở thành tội đồ của lịch sử rồi.
Nhưng mặt khác, Cô Tư Hồng dành nhiều tài sản vào việc làm từ thiện cho dân nghèo và những tù nhân của Bắc Thành. Bà nhiều lần xoay xở, tìm cách can thiệp để giảm án cho các tù nhân. Bất cứ nơi nào trong nước bị mất mùa, bão lụt, bà đều cho chở gạo, ngô đến phát cứu tế với số lượng lớn. Hành động đó của Tư Hồng đã động đến triều đình, bà được vua nhà Nguyễn tặng cho 4 chữ "Tiết hạnh khả phong". Nhưng cũng chính 4 chữ này làm cho bà, vốn có đến 3 đời chồng, phải nhận những sự dè bỉu, khinh miệt của người đời.
Đã hơn 100 năm trôi qua, không rõ bà mất năm nào, trong hoàn cảnh nào. Giàu có bậc nhất Hà Nội đầu thế kỷ XX đấy, nhưng bà Tư Hồng lại ra đi một cách lặng lẽ. Người Hà Nội chỉ lưu truyền là mộ cô Tư Hồng gần cổng chùa Hai Bà Trưng, bia mộ vẻn vẹn có ba chữ "Cô Tư Hồng".
VietBF@ sưu tập