(VTC News) - "Lần này đánh bắt ở ngư trường mới có thể gặp nhiều nguy hiểm, nên nhiều ngư dân địa phương không dám đi", Trưởng Hiệp Hội đánh bắt cá địa phương Lương Á Phi nói.
Lúc 17h ngày 15/7, 30 tàu cá của Trung Quốc đã tiến tới khu vực Đảo đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 30 tàu cá lượn lờ trên biển khoảng 78 giờ đồng hồ.
Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc sau đó cũng tới Đảo đá Chữ Thập để làm công tác bảo vệ, hãng tin Tân Hoa Xã đưa tin.
 |
Tàu cá và tàu Ngư chính Trung Quốc ở Trường Sa của Việt Nam |
30 tàu cá chia làm 2 biên đội với 6 nhóm nhỏ rầm rộ kéo đến Trường Sa để đánh bắt, đây là đội tàu cá lớn nhất từ trước nay đánh bắt ở Trường Sa. Khoảng 17h ngày 15/7, được sự chỉ đạo của tàu Ngư chính 310, biên đội tàu cá đã tới được khu vực Đảo đá Chữ Thập.
Xuất phát từ cảng Tam Á lúc 11h ngày 12/7, các biên đội tàu cá lênh đênh trên biển gần 78 giờ đồng hồ mới đến nơi. Các tàu cá dự kiến đánh bắt ở khu vực Đảo đá Chữ Thập khoảng 5 đến 10 ngày.
Ngay sau khi 30 tàu cá đến khu vực Đảo đá Chữ Thập, tàu Ngư chính 310 cũng "kịp thời đến khu vực để triển khai công tác bảo vệ", theo Tân Hoa Xã.
Cũng theo Tân Hoa Xã, hôm nay, 29 tàu cá sẽ triển khai hoạt động đánh bắt. Trưởng Hiệp hội đánh bắt cá địa phương Lương Á Phi nói: "Lần đi đánh bắt ở Trường Sa này có thể gặp nhiều nguy hiểm như mưa bão, có khi còn bị các tàu nước ngoài gây khó khăn, do đó, nhiều ngư dân địa phương lần này không dám đi".
"Tôi hy vọng lần đánh bắt ở Trường Sa này, các ngư dân hãy đoàn kết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất. Chúng ta cần phải thích ứng môi trường mới ở ngư trường mới, có vấn đề gì chúng ta phải cùng nhau thương lượng, bàn bạc, cùng giải quyết, cùng hiểu rõ ngư trường mới Trường Sa".
Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông – vùng biển giàu tài nguyên và có địa thế kinh tế, quân sự chiến lược vẫn đang là chủ đề nóng nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Đỗ Hường
VTCnews